Để mỗi người dân là một nhân tố tích cực, có kiến thức trong công tác PCCC và CNCH
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định công tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề cho hoạt động phổ cập kiến thức, kỹ năng thực hành PCCC, thoát nạn cho toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh; Hướng tới mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn nữa ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống góp phần giúp người dân tự mình trải nghiệm, thực tế các hoạt động PCCC, đưa hoạt động này dần đi vào nề nếp, tiềm thức, vào đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân.
Trước yêu cầu đặt ra về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, trải nghiệm để mọi người dân, học sinh, sinh viên được tiếp cận với các kiến thức PCCC và CNCH; được trải nghiệm các công việc của người chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, ban hành các chương trình kế hoạch triển khai đồng bộ nhiệm vụ này, trong đó đã tập trung thực hiện công tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC và CNCH nhân dịp Ngày Toàn dân tham gia PCCC (04/10/1961 - 04/10/2023), tổ chức ngày 07, 08/10/2023; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC và CNCH đối với các chung cư trên địa bàn tỉnh tổ chức vào các ngày 26/11/2023 và ngày 02/12/2023; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh, ngày 16, 17/12/2023; Tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xã hội hoá, trao tặng bình chữa cháy xách tay cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại 08 điểm trên địa bàn 07 huyện, thị xã, thành phố trong các ngày từ 28/12/2023 - 04/01/2024.
Các hoạt động trải nghiệm được tổ chức xuyên suốt, thành các chuỗi hoạt động theo định kỳ hàng tháng; phân công cụ thể trách nhiệm cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an cấp huyện và các đơn vị liên quan xây dựng, đổi mới các nội dung trải nghiệm, thực hành về PCCC và CNCH hữu ích, thu hút đông đảo người dân tại các khu dân cư, người lao động tại cơ sở, học sinh, sinh viên các cấp học hào hứng nhiệt tình tham gia. Chương trình đã huy động được sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân tập trung các nguồn lực để xã hội hoá hoạt động PCCC, phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; trao tặng bình chữa cháy cho các hộ gia đình thật sự cần thiết được giúp đỡ, hỗ trợ, bằng hình thức trao trực tiếp từ doanh nghiệp đến tay người dân bằng hiện vật, không qua khâu trung gian; góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ để xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Nhờ các biện pháp triển khai đồng bộ, khoa học, có nhiều đổi mới, sáng tạo về hình thức, biện pháp tuyên truyền, trải nghiệm, theo thống kê từ ngày 7/10/2023 đến nay, các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm thực hành về PCCC, CNCH trên địa bàn tỉnh, đã thu hút hơn 68.000 lượt người dân, người lao động, học sinh, sinh viên tham gia. Nổi bật như, ngày 7, 8/10/2023 các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC và CNCH tại Đại học Hồng Đức, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, Trường THPT Nga Sơn thu hút 3.580 học sinh, sinh viên và giáo viên tham gia; Tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH với hơn 1.000 học sinh, giáo viên các trường THCS và con em các gia đình trên địa bàn thành phố tham gia trải nghiệm...Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH tại 04 khu chung cư Đông Phát, Phú Sơn, Mai Xuân Dương, Nam Đại Lộ Lê Lợi và diễn tập phương án chữa cháy, CNCH nhiều lực lượng tại Chung cư Euro Window, TP. Thanh Hoá, thu hút hơn 3.000 lượt người dân sinh sống tại các chung cư tham gia hoạt động trải nghiệm, thực tập phương án chữa cháy, CNCH. Riêng 2 ngày 16-17/12/2023 Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp các trường học, khu dân cư đồng loạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành về PCCC, CNCH với hơn 122 điểm trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố, thu hút 59.178 lượt học sinh, người dân tham gia (trong đó, riêng đối với 07 huyện, thị xã, thành phố có Đội Cảnh sát PCCC thuộc Phòng PC07 đóng quân, tổ chức hoạt thực hành, trải nghiệm về PCCC và CNCH có huy động phương tiện chữa cháy chuyên dụng; 20 huyện còn lại, được thực hành sử dụng bình chữa cháy, thực hành thoát nạn...)
Bên cạnh đó, trên cơ sở ủng hộ xã hội hoá của một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ PCCC, trong các ngày từ 28/12/2023 đến 04/01/2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và trao tặng bình chữa cháy xách tay cho hơn 1.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo) trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đã thu hút được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các cơ quan ngôn luận trên địa bàn tỉnh, từ đó từng bước đưa công tác xã hội hoá về PCCC trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, ý nghĩa, góp phần đảm bảo cho mỗi người dân đều được công bằng, tiếp cận các biện pháp an toàn PCCC của xã hội.
Đồng chí Thượng tá Lê Như Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH xác định mục tiêu đối với công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: “Từng nhà an toàn - Từng nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn”. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, đảm bảo cho mỗi thành viên hộ gia đình hàng năm đều được tiếp cận, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC theo mọi lứa tuổi. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền từ lý thuyết sang các hoạt động thực tế nhằm thu hút được nhiều càng nhiều người dân tham gia. Chủ động trong chỉ đạo, phân công, giao cụ thể chỉ tiêu tổ chức các hoạt động theo 03 cấp tỉnh, huyện, xã để lan toả sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành về PCCC. Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khoá, thực hành về PCCC và CNCH năm 2024, từ đó từng bước đổi mới tư duy, trang bị kiến thức PCCC cho đối tượng học sinh, sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tập trung tăng cường thời lượng tuyên truyền về PCCC trên các chương trình truyền hình, mạng xã hội về ý nghĩa tích cực của việc tự trang bị bình chữa cháy tại nhà, đưa việc trang bị bình chữa cháy tại nhà có ý nghĩa như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, để bảo vệ tính mạng, tài sản của người thân trong gia đình; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm quan tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong việc trang bị phương tiện PCCC, CNCH. Để mỗi người dân là một nhân tố tích cực, có kiến thức trong công tác PCCC và CNCH, bảo vệ bình yên cuộc sống của Nhân dân./.