Công an Thanh Hoá bảo đảm các điều kiện triển khai Luật căn cước

Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ 01/7/202 ( thay thế cho Luật Căn cước công dân). Luật có nhiều quy định cụ thể, góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng được nhiều mặt của thực tiễn về cải cách hành chính, quản lý dân cư, bảo đảm quyền công dân, hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Căn cước là lực lượng Công an sẽ thực hiện cấp, đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Hiện tại, Công an Thanh Hoá đã và đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện cấp thẻ căn cước mới thuận tiện, đúng quy định.

Theo quy định, khi Luật Căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trên thẻ, vì thế người dân không bắt buộc phải cấp, đổi ngay nếu không có nhu cầu. Việc cấp thẻ căn cước sẽ thực hiện từ ngày 01/7 và áp dụng đối với các trường hợp: Thẻ Căn cước công dân hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, người có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân. Ngoài ra, các đối tượng dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp căn cước theo nhu cầu.

Đối với chứng minh nhân dân, Luật quy định từ 31/12/2024, tất cả chứng minh nhân dân sẽ hết hạn sử dụng. Lý do có sự thay đổi này vì đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mọi hoạt động thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch của người dân đã ứng dụng công nghệ số. Vì thế việc bỏ chứng minh nhân dân giấy là cần thiết để đồng bộ dữ liệu, thuận tiện cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.

Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh cho biết: Công an Thanh Hoá đang tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức, biết và hiểu được việc Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và những điểm mới của Luật Căn cước. Đồng thời, tỉnh đã tham mưu các kế hoạch, nội dung, chuẩn bị các điều kiện liên quan đến nhân lực, trang thiết bị, các điều kiện để thi hành Luật mới bảo đảm đồng bộ, khoa học và hiệu quả.  

Lực lượng Công an tuyên truyền cho người dân về những điểm mới của Luật Căn cước

Theo rà soát, thống kê, khi bắt đầu triển khai Luật Căn cước, dự kiến toàn tỉnh sẽ có hơn 1 triệu công dân thuộc diện cấp căn cước.

Để chuẩn bị cho việc cấp căn cước tới đây, theo Thượng tá Lê Phương Dung, Phó Trưởng Công an thành phố Sầm Sơn, hiện Công an TP. Sầm Sơn đã  rà soát lại trên sở dữ liệu quốc gia về dân cư số lượng công dân đã được cấp CCCD trước đây, đồng thời xác định chính xác số công dân dưới 14 tuổi chưa được cấp CCCD, trên cơ sở đó sẽ tiến hành lộ trình cấp căn cước theo quy định mới.

Luật Căn cước quy định, khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước sẽ tiến hành thu nhận thông tin về mống mắt của công dân. Việc thu nhận thông tin về mống mắt sẽ giúp xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số. Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin khi thu nhận mống mắt của người dân cũng được lực lượng Công an đảm bảo tuyệt đối.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành sẽ là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo mục tiêu Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Những điểm mới của Luật Căn cước 

1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước

2. Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước; thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024để chuẩn bị cho việc cấp căn cước tới đây,

3. Chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ ngày 01/01/2025

4Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước

5. Đối tượng được cấp thẻ căn cước được mở rộng, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có thể được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu

6. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi: Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia

7. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử: Mỗi công dân sẽ được cấp 1 căn cước điện tử, sử dụng cho các thủ tục hành chính và giao dịch khác theo nhu cầu

9. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc: Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước: Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định./.

Tác giả: Hà Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu