Đề cương chi tiết Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phần 4)

V. Về những vấn đề mới của Luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế.

          17. Câu hỏi 17: Luật này ban hành có giải quyết được các vấn đề về tình hình giao thông hiện nay hay không và những điểm mới của Luật này là gi?

          Trả lời:

          Xuất phát từ thực tiễn tình hình hiện nay về trật tự, an toàn giao thông có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, Đảng, Chính phủ đã xác định rất rõ vấn đề này trong nhiều văn bản chỉ đạo, vì vậy, thời điểm Chính phủ đề ra yêu cầu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là thời điểm thích hợp để ban hành một đạo luật độc lập về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách bạch với đạo luật về kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.

          Mục tiêu cơ bản nhất của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là phòng ngừa, giảm thiệt hại gây ra do tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông. Do vậy, các chính sách quy định trong Luật đều bám sát theo mục tiêu đó với trọng tâm là các quy tắc, chế định liên quan việc chấp hành pháp luật, quản lý hành vi của người tham gia giao thông. Trên cơ sở đó, các chính sách trong dự thảo Luật có những điểm mới để đạt được mục tiêu như sau:

          - Về quy tắc giao thông đường bộ: Nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy định quy tắc giao thông về ưu tiên bảo vệ người yếu thế như trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ khi tham gia giao thông đường bộ; bổ sung, sửa đổi, làm rõ hơn nội hàm của nhiều quy tắc giao thông bảo đảm phù hợp thực tiễn, phòng ngừa tai nạn giao thông như: tránh, vượt, chuyển làn đường, chuyển hướng, lùi xe, giao thông trên đường cao tốc…; bổ sung các quy tắc về mở cửa xe, sử dụng đèn tín hiệu…

          - Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, Luật đã quy định điều kiện của phương tiện tham gia giao thông; về cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe theo hướng quản lý chặt chẽ hơn phương tiện tham gia giao thông, theo dõi được sự thay đổi số lượng, cơ cấu, chủng loại phương tiện trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe, từ đó giúp tham mưu cho Đảng, Chính phủ hoạch định các chính sách về phương tiện giao thông.

          - Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: Quy định theo hướng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm đánh giá thực chất được trình độ, kiến thức, kỹ năng của người lái xe, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

          - Về tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ: Quy định về giải quyết những bất cập về tổ chức giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; trách nhiệm và cơ chế giải quyết ùn tắc giao thông của các bộ và ủy ban nhân dân địa phương.

          - Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ: Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục kịp thời hậu quả các vụ tai nạn giao thông.

          -Về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm: Xây dựng nền tảng pháp lý để phát hiện, xử lý vi phạm; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

          - Về phần công trách nhiệm quản lý nhà nước: Phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân địa phương, trong đó xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các nội dung quản lý nhà nước cụ thể; Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện các nội dụng, biện pháp theo địa bàn và dự thảo cũng thể hiện phân cấp mạnh  thẩm quyền quản lý cho chính quyền địa phương để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt.

          18. Câu hỏi 18 : Tính phù hợp của Luật với Công ước quốc tế (Công ước Viên 1968) và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ?

          Trả lời:

          Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bảo đảm tính tương thích với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ, trong đó tương đồng về quy định các chính sách: Quy tắc tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức, chỉ huy và điều khiển giao thông; điều tra giải quyết tai nạn giao thông; thực thi pháp luật trong phát hiện và xử lý vi phạm. Cơ quan soạn thảo đã tham khảo có chọn lọc quy định trong Công ước cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

          Đối với quy định về giấy phép lái xe được phần thành 11 hạng; quy định về chữ và số trên biển số xe, giấy chứng nhận đăng ký xe có các trường thông tin trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với Công ước Viên năm 1968.

          Qua tham khảo pháp luật về giao thông đường bộ của một số quốc gia trên thế giới như Lào, Campuchia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên Bang Nga, Đức, Australia, cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (Bộ Công an đã biên dịch và sao gửi Quốc hội bản dịch pháp luật về giao thông đường bộ của các quốc gia nêu trên).

          VI. Về việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng của lực lượng thực thi pháp luật trong Luật này.

          19. Câu hỏi 19: Việc Bộ Công an ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có phù hợp không?

          Trả lời:

          Việc này là hoàn toản đúng quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, theo đó: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ  quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia. Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm: Tổ chức kinh tế; cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

           Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo đảm trật tự, an toản giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực mà Bộ Công an được phân công quản lý, không trùng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành khác. (Ví dụ: hiện nay Bộ Công an đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực an ninh đối với hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và sẽ ban hành tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới... Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ...) Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có thể tham chiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công an ban hành để làm cơ sở đầu tư, xây dựng. Do đó, việc Bộ Công an ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

          20. Câu hỏi 20: Việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng của lực lượng thực thi pháp luật được thể hiện như thế nào trong Luật này?

          Trả lời:

          Các chính sách của Luật có liên quan đến việc giải quyết công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp  giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý vi phạm đều thể hiện tính công khai, minh bạch, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giải quyết, xử lý các nội dung công việc nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho Nhân dân, tiết kiệm chi phí cho nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật. Ví dụ như: đăng ký xe bằng hình thức trực tuyến, cấp biển số xe qua bấm số ngẫu nhiên trên máy vi tính, qua đấu giá công khai; đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông (hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng hệ thống trung tâm chỉ huy và hệ thống giám sát đồng bộ trên các tuyến giao thông trọng điểm, tiến tới việc xử lý vi phạm đều có chứng cứ điện tử thay bằng việc phát hiện bằng mắt thường), tăng cường xử phạt “nguội”, nộp phạt vi phạm qua hệ thống cổng dịch vụ công, trang bị hệ thống camera giám sát quá trình làm nhiệm vụ của cán bộ chiến sỹ... Đồng thời, Nhân dân có quyền giám sát theo quy định của phát luật đối với lực lượng thực thi công vụ, đóng góp ý kiến để xây dựng lực lượng Công an nhân dân./.

Tác giả: Thanh Quyết
Nguồn: Phòng Cảnh sát Giao thông
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu