Phát huy sức mạnh, hiện đại hoá lực lượng Cảnh sát cơ động

Ngày 11-12-2009, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 4058 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Theo đó, Bộ Tư lệnh CSCĐ được tách ra từ Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, thuộc Tổng cục Cảnh sát (trước đây).

Ngày 11-12-2009, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 4058 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Theo đó, Bộ Tư lệnh CSCĐ được tách ra từ Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, thuộc Tổng cục Cảnh sát (trước đây).

Từ đó đến nay, ngày 11-12 hàng năm trở thành ngày thành lập Bộ Tư lệnh CSCĐ. Trải qua 10 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, có sự thay đổi về tổ chức bộ máy, song lực lượng CSCĐ luôn được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, kiện toàn theo hướng chuyên sâu, tập trung thống nhất.                  

Ở Bộ có Bộ Tư lệnh CSCĐ là đơn vị nòng cốt, có chức năng tham mưu giúp Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) trên phạm vi toàn quốc, xây dựng lực lượng CSCĐ; giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công tác của lực lượng CSCĐ. Xây dựng, tổ chức diễn tập các phương án tác chiến, bảo vệ mục tiêu và trực tiếp tổ chức diễn tập các phương án tác chiến, trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự (ANTT), tổ chức bảo vệ các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt, hội nghị, sự kiện quan trọng; tổ chức quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ theo quy định.

Trong Bộ Tư lệnh hiện nay gồm có 4 lực lượng: Lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm; lực lượng Cảnh sát bảo vệ mục tiêu và lực lượng Cảnh sát huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Ở Công an TP. Hà Nội và TP HCM bố trí Trung đoàn CSCĐ; ở các tỉnh, thành phố còn lại bố trí Tiểu đoàn, Đại đội CSCĐ. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an các địa phương bố trí theo các vùng chiến lược, các địa bàn trọng điểm, đảm bảo khoa học, tạo nên thế trận an ninh vững chắc, đáp ứng yêu cầu cơ động, tiếp ứng nhanh chóng khi có tình huống xảy ra.


Lực lượng Cảnh sát cơ động thường xuyên tập luyện nâng cao sức chiến đấu.
 

Sau 10 năm thành lập, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ và các cấp ủy Đảng trực thuộc luôn bám sát mục tiêu, quyết tâm thực hiện chủ trương, cương lĩnh của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình công tác của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, thắng không kiêu, bại không nản, vượt qua khó khăn gian khổ, luôn mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, chiến đấu mưu trí, nhạy bén, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ, chiến sỹ (CBCS) CSCĐ đã dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh xương máu và tính mạng của mình vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Có thể nói ở đâu phức tạp về ANTT, về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội thì ở đó có mặt lực lượng CSCĐ. Điển hình như tham gia giải quyết vụ tụ tập đông người đòi thành lập “Vương quốc Mông” tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (năm 2011) và biểu tình chống người thi hành công vụ giải phóng mặt bằng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (tháng 4-2012). Lực lượng CSCĐ tại chỗ của Bộ Công an, Công an các địa phương cùng hàng ngàn CBCS đóng quân tại TP Hà Nội đã nhanh chóng hành quân kịp thời phối hợp cùng quân và dân trên địa bàn chặn đứng các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch.

Vào tháng 5-2014, lợi dụng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những đối tượng xấu đã kích động công nhân ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM xuống đường biểu tình phản đối, đập phá hàng rào, bảng hiệu, đốt nhà xưởng, tràn vào lấy nhiều hàng hóa, tài sản của các công ty... Thực hiện lệnh của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã điều động hàng nghìn CBCS và gần 200 xe các loại ứng trực, ra quân làm nhiệm vụ trấn áp các đối tượng quá khích. Trong 9 ngày tham gia, lực lượng CSCĐ đã tiến hành bắt giữ, bàn giao cho Công an địa phương 632 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật, bảo vệ an toàn 54 công ty trong nước và nước ngoài, giải cứu an toàn 41 chuyên gia và nhân viên nước ngoài, dập tắt các đám cháy, cứu khối lượng tài sản ước tính hơn 3.000 tỷ đồng…

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ đã phối hợp hiệu quả với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an các địa phương đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án lớn với hàng trăm đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các tụ điểm phức tạp về ma túy, cờ bạc, các ổ nhóm buôn lậu trên tuyến biên giới và giải quyết các vụ việc đột xuất, phức tạp về ANTT. Như tham gia triệt phá tổ chức buôn lậu, hàng tiêu dùng cao cấp tại Hải Phòng; hỗ trợ Cơ quan điều tra xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, các tụ điểm đánh bạc với quy mô lớn liên tỉnh ở Thạch Thất, Sóc Sơn (Hà Nội), Chùa Dận (Bắc Ninh) hay TP HCM, Vũng Tàu; tham gia bảo vệ hiện trường vụ án vận chuyển, buôn bán gỗ lậu tại Đăk Mil; truy bắt các đối tượng truy nã buôn bán ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; phối hợp truy bắt tội phạm mua bán ma túy xuyên quốc gia tại TP HCM và thu giữ ma túy với khối lượng lớn (năm 2019)...

Là lực lượng chủ công trong công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu, vận chuyển hàng đặc biệt, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn 645 mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước; huy động hàng ngàn CBCS áp tải, bảo vệ hàng vạn chuyến hàng đặc biệt của Chính phủ đến các tỉnh, thành trong cả nước. Phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ an toàn các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, các chuyến thăm Việt Nam của các nguyên thủ quốc gia; các sự kiện quan trọng của quốc gia và quốc tế được tổ chức ở nước ta, như: Hội nghị cấp cao ASEAN; ASEM; APEC; Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên (lần 2)… những kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững ANTT, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân khen ngợi, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đã huy động hàng ngàn lượt CBCS hành quân dã ngoại đến các địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa để vừa xây dựng phương án tác chiến, vừa làm công tác dân vận, giúp nhân dân nạo vét kênh mương, đắp đường, sửa chữa trường học, nhà ở, tham gia phòng chống thiên tai. Điển hình như giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ gây ra các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên... Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa, điểm trường mầm non tại Sơn La, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Nam, Cần Thơ, An Giang… Qua đó để lại trong lòng nhân dân hình ảnh đẹp người CSCĐ gần gũi, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Có được những chiến công và kết quả thành tích trên là do Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn quan tâm, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; thường xuyên chăm lo giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường tư tưởng, có khả năng chuyên môn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Tích cực đề xuất với Bộ Công an củng cố kiện toàn về biên chế, tổ chức, trang bị phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và chế độ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCS. Nhờ đó lực lượng CSCĐ từ Bộ đến Công an các địa phương đã không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện về mọi mặt.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để xứng đáng là “lá chắn thép” xung kích bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng CSCĐ luôn xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện nghiêm túc quy trình công tác, đặc biệt quy trình ra quân tham gia xử lý các vụ việc phức tạp về ANTT phải quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc” và đề cao phương châm 4 tại chỗ: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, tăng cường “rèn cán, luyện quân” đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới.

Tập trung triển khai Trung đoàn Không quân CAND, Trung đoàn CSCĐ Kỵ binh và kết luận của đồng chí Bộ trưởng về công tác chính trị tư tưởng, tổ chức, cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, thao trường bãi tập; hoạt động của Đoàn nghi lễ CAND. Hoàn thành xây dựng và triển khai Đề án “Hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030”; tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền nâng cấp Pháp lệnh CSCĐ thành Luật CSCĐ, làm cơ sở, tiền đề nâng cao năng lực, sức chiến đấu và xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, CBCS Bộ Tư lệnh CSCĐ sẽ tiếp bước xứng đáng truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, nguyện một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm sẵn sàng chủ động ra quân nhanh, trấn áp mạnh, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và các hành vi vi phạm pháp luật của các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, hội nhập và đối ngoại của đất nước.

 

Nguồn: http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Phat-huy-suc-manh-hien-dai-hoa-luc-luong-Canh-sat-co-dong-572857/
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu