Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả bước đầu thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội

Sáng 19/5/2023, Công an tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả bước đầu thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu Công an tỉnh đến điểm cầu Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh… 

Tại điểm cầu trung tâm, đồng chí Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh dự, chỉ đạo. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh. Tại điểm cầu Công an cấp huyện có lãnh đạo, chỉ huy các đội nghiệp vụ và Trưởng Công an các xã, phường, thị trấn của 88 địa bàn trọng điểm cần chuyển hóa. 

Thực hiện chủ trương của Giám đốc Công an tỉnh về chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, từ cuối năm 2022 đến nay, qua công tác rà soát, thống kê của các đơn vị, địa phương Công an trong tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 88 xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội cần được chuyển hóa. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các Phòng nghiệp vụ, việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội của các đơn vị Công an trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhiều đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuyển hóa địa bàn. Qua đó đã sớm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra như: phường Quảng Thành, phường Quảng Thắng (thành phố Thanh Hóa); thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương); thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành)…

 
 
Toàn cảnh hội nghị 

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ngay sau khi Giám đốc Công an tỉnh có Kế hoạch số 156 về tăng cường toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Công an xã, phường, thị trấn, trong đó xác định rõ việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, cần tập trung giải quyết, các đơn vị cấp phòng của Công an tỉnh đã thành lập các tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên, đồng thời phối hợp với các đơn vị Công an cấp huyện, cấp xã rà soát, đánh giá lại toàn bộ tình hình địa bàn và triển khai đồng bộ các biện pháp để chuyển hóa địa bàn.

Đối với các đơn vị Công an cấp huyện có địa bàn trọng điểm đã chủ động tham mưu, tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo và huy động lực lượng, tập trung chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Riêng trên lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, các đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền theo hướng nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời đến được với người dân; nội dung, hình thức tuyên truyền cũng rất phong phú, đa dạng. Qua đó, đã giúp người dân nhận biết những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Từ đó trang bị cho mình những kỹ năng phòng ngừa, phát hiện; tự phòng ngừa, tự quản, tự bảo vệ các phương tiện, tài sản của mình…

Đặc biệt, các đơn vị Công an trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook...); củng cố, nhân rộng các mô hình, tổ chức tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở…Qua đó đã phát huy tối đa sự ủng hộ và tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi tại địa bàn dân cư; siết chặt quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện... góp phần kiềm chế, làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, trên cơ sở kết quả bước đầu đã đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận làm rõ thêm những kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển hóa địa bàn. Đặc biệt các tham luận đã khẳng định chủ trương và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về chuyển hóa địa bàn là đúng đắn và kịp thời, góp phần giải quyết căn cơ các vấn đề còn nổi cộm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. 

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng đưa ra một số mô hình vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải hoạt động hiệu quả; xây dựng và duy trì thực hiện các nội quy, quy tắc nếp sống cộng đồng văn minh, tiến bộ; phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật… để chuyển hóa địa bàn một cách có hiệu quả.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh nhấn mạnh: Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội là chủ trương lớn của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, các đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo và tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và có hiệu quả. Trong đó, các đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy Đảng và hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền nhất là địa bàn cơ sở cấp xã nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH để công tác chuyển hóa địa bàn được thực hiện đồng loạt, thống nhất trên tất cả các địa bàn trọng điểm.

Cùng với đó, các đơn vị cần tiếp tục chủ động phòng ngừa, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý nhà nước về ANTT; phát huy vai trò của lực lượng Công an xã chính quy trong thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để duy trì bền vững kết quả đã đạt được, 100% các địa bàn lựa chọn chuyển hóa thành công, không phức tạp trở lại sau chuyển hóa./.

Tác giả: Thái Thanh
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu