Nằm rừng phá án trộm trâu, bò quy mô lớn dịp Tết

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, khi mọi người, mọi nhà đang tất bật hoàn thành những công việc cuối cùng để cùng sum vầy với gia đình, đón chào năm mới, nhưng với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thì chưa bao giờ lại phải khẩn trương, gấp rút như lúc này. Như chỉ đạo của đồng chí Trưởng Công an huyện Nguyễn Tiến Dũng đối với cán bộ, chiến sĩ cấp dưới rằng: “Người dân mất trâu, mất bò là mất đầu cơ nghiệp, mất Tết, các đồng chí mà không nhanh chóng điều tra, làm rõ, bắt giữ được thủ phạm thì cũng đừng nghĩ tết nhất làm gì cả”.

 

Ngày đêm bám rừng phá án

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2021, Công an xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân liên tục nhận được tin báo của người dân về việc bị mất trộm trâu, bò thả trong rừng. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng đêm tối, khu vực đồi, núi, vắng người qua lại để câu nhử trâu, bò vào khu vực vắng vẻ sau đó giết và xẻ thịt mang đi bán.

 

Công an huyện Thường Xuân khám nghiệm hiện trường nơi các đối tượng xẻ thịt trâu bò

 

Ông Vi Hồng Sao, trú tại thôn Chiềng, xã Yên Nhân cho biết: Nhà tôi nuôi được 7 con trâu, không có chuồng trại nên thả trong rừng, cả tuần mới vào thăm vài lần. Trước đó, 2 con bị rơi xuống vực chết, giờ các đối tượng lại tiếp tục trộm 2 con, xem như gia đình tôi sạt nghiệp.

 

Trước tình hình đó, Công an huyện Thường Xuân đã lập Chuyên án 121T, chỉ đạo các lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, làm rõ. Tuy nhiên, so với nhiều loại án khác, án trộm gia súc vùng rừng núi rất khó triệt phá vì các đối tượng thường từ nơi khác tới, hoạt động trong vùng giáp ranh, ẩn sâu trong rừng, khi xảy ra trộm cắp manh mối thu giữ được thường rất ít ỏi.

 

Với quyết tâm truy bắt bằng được các đối tượng phạm tội, giữ vững bình yên và củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đồng chí Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Thường Xuân đã trực tiếp chỉ đạo, điều động hàng chục trinh sát có kinh nghiệm khẩn trương vào cuộc điều tra, phối hợp với công an các xã, thị trấn khoanh vùng, tổ chức lực lượng mật phục để bắt giữ các đối tượng.

 

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thường Xuân cho biết: Để phá được vụ án này, nhiều anh em đã phải ăn ngủ lại trong rừng nhiều ngày đêm liền để tổ chức nắm tình hình, quy luật hoạt động của các đối tượng; đặc biệt các xã xảy ra mất trộm trâu bò, lực lượng Công an xã đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền huy động lực lượng dân quân, quần chúng nhân dân ngày đêm tuần tra, canh gác, bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng Công an theo từng bước đi của các đối tượng để tổ chức bắt giữ các đối tượng.

 

Sau nhiều ngày đêm bám rừng, truy nguyên theo dấu của các đối tượng, hành tung của các đối tượng dần lộ diện và nằm trong tầm ngắm của các trinh sát. Đến tối 3/2/2021, nhóm đối tượng trộm cắp tiếp tục nhử 1 con trâu (trị giá gần 30 triệu đồng) của gia đình anh Nguyễn Văn Hắc, ở thôn Chiềng, xã Yên Nhân vào sâu trong rừng và giết thịt. Sau khi xẻo hết thịt, các đối tượng cho vào 4 chiếc balo và lên xe mô tô trở về điểm tập kết tại xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

 

Công an huyện Thường Xuân bắt giữ các đối tượng phạm tội

 

Theo dấu vết các đối tượng, một tổ công tác của Công an huyện Thường Xuân tức tốc vượt hơn 100km đường rừng vào huyện Quế Phong phối hợp với Công an huyện và lực lượng Công an các xã Quang Phong, Đồng Văn (huyện Quế Phong) để truy bắt các đối tượng. Đến ngày 4/2, lực lượng Công an đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng Lương Văn Òn (SN1988), Lô Văn Mười (SN 1978), Lương Văn Cường (SN 1978), Lương Văn Tùng (SN 1980), đều trú tại xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; đến ngày 7/2, tiếp tục bắt giữ đối tượng Lê Khắc Thành (SN 1970), trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Khám xét nơi ở của các đối tượng, tổ công tác thu giữ 3 xe mô tô, 1 rìu, 4 con dao, 3 đoạn dây cáp kim loại, 4 ba lô đang đựng gần 100kg thịt trâu vừa trộm cắp chưa kịp tiêu thụ và nhiều tang vật khác có liên quan.

 

Từ đây, một đường dây trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp (trâu, bò) quy mô lớn, liên tỉnh dần hé lộ với những thủ đoạn rất manh động, táo tợn.

Xẻ thịt ngay trong rừng

Sau khi bắt giữ được các đối tượng, ngay trong đêm, tổ công tác Công an huyện Thường Xuân đã đưa các đối tượng về Công an huyện Thường Xuân để đấu tranh, làm rõ. Theo đó, Lê Khắc Thành là đối tượng cầm đầu ổ nhóm này. Lợi dụng nhà mình bán hàng ăn nhậu, Thành đã “cổ vũ” Lương Văn Òn, Lô Văn Mười, Lương Văn Cường, Lương Văn Tùng đi trộm cắp trâu, bò sau đó xẻ thịt mang về bán cho mình, với giá 100 nghìn đồng/1kg.

 

Các đối tượng Lê Khắc Thành, Lương Văn Òn, Lô Văn Mười, Lương Văn Cường, Lương Văn Tùng vừa bị Công an huyện Thường Xuân bắt giữ

 

Để thực hiện hành vi của mình, Lương Văn Òn, Lô Văn Mười, Lương Văn Cường, Lương Văn Tùng chuẩn bị mỗi người 1 con dao đi rừng, 1 balo, rìu, dây thép… Trong vai những người đi rừng, các đối tượng này thường xuyên tìm kiếm những con trâu (bò) được người dân thả trong rừng tại huyện Quế Phong (Nghệ An) và Thường Xuân (Thanh Hóa) đợi thời cơ ra tay trộm cắp. Để tránh bị phát hiện, nhóm đối tượng này dùng muối để nhử trâu, bò vào những khu vực hẻo lánh, sâu trong rừng sau đó dùng dao, rìu chém vào khuỷu chân sau của chúng và giết thịt. Sau đó, các đối tượng này dùng dao xẻ thịt trâu, bò ngay trong rừng để lấy những phần thịt cho vào ba lô mang về bán cho Thành. Riêng phần xương, da, nội tạng… chúng bỏ lại trong rừng.

Với thủ đoạn như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng này đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp trâu, bò của người dân trên địa bàn các huyện Quế Phong và Thường Xuân. Bước đầu, Công an huyện Thường Xuân đã điều tra, làm rõ các đối tượng này đã thực hiện chót lọt 33 vụ trộm cắp trâu, bò (số lượng 33 con trâu, bò). Trong đó có 13 vụ xảy ra trên địa bàn xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân và 20 vụ xảy ra tại huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An).

 

Công cụ các đối tượng dùng để thực hiện hành vi phạm tội

 

Vụ việc đã sáng tỏ, các đối tượng trộm cắp đã bị bắt giữ. Đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán cận kề đã làm yên lòng nhân dân trong khu vực. Nhiều người dân mất trâu, mất bò đã rất cảm kích vì lực lượng Công an đã nhanh chóng điều tra, làm rõ chân tướng vụ việc, để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.

Thả rông, khó an toàn

Ông Lê Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân cho biết: Toàn xã có trên 50% số hộ chăn nuôi gia súc, với tổng đàn khoảng 1.700 con trâu, bò. Do người dân địa phương vẫn còn tập quán chăn thả trong rừng, hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới lùa về hoặc lên kiểm tra. Từ thực tế này, các đối tượng xấu thường rình rập, bắt trộm trâu, bò của người dân, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Trước đó, chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên thông báo, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi chăn thả gia súc, thay đổi thói quen, không chăn thả rông trâu, bò, gia súc mà không có người trông coi, bảo vệ. Đồng thời, vận động người dân xây dựng chuồng trại để bảo vệ đàn trâu, bò của mình. Tuy nhiên, thói quen, tập quán đó vẫn chưa thể thay đổi ngay được.

 

Còn Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Thường Xuân cũng cho biết: Việc mất trộm trâu, bò, vật nuôi do thả rông đã được chúng tôi cảnh báo từ rất lâu rồi. Trước đây, chỉ mất một vài con người dân cũng không hay biết, do nghĩ đi lạc đàn, bị sập bẫy, hay rơi xuống vực nên không trình báo. Khi mất trộm thì 5, 7 ngày sau, thậm chí cả tháng chủ nuôi mới phát hiện và trình báo nên gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tìm thủ phạm.

 

Hiện trường và công cụ các đối tượng dùng để gây án

 

Để chủ động đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với loại tội phạm này, tới đây, Công an huyện Thường Xuân sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, một mặt tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp và vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tự ý thức bảo vệ tài sản của mình; mặt khác tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức tuần tra kiểm soát, tập trung điều tra làm rõ vụ việc để đưa các đối tượng phạm tội ra xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này, hơn ai hết người dân cần nêu cao ý thức tự bảo vệ tài sản của mình. Chăn nuôi trâu, bò cần có chuồng trại chắc chắn, gần nơi ở của gia đình, có người trông giữ và khi có vụ việc mất trộm xảy ra cần báo ngay cho lực lượng Công an hoặc chính quyền địa phương biết để kịp thời điều tra làm rõ. Cứ thả rông như vậy thì sẽ không đảm bảo an toàn và việc mất mát xảy ra sẽ có nguy cơ tiếp diễn./.

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu