Tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC và xây dựng chợ, siêu thị, TTTM

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 396 chợ, 36 siêu thị và 04 trung tâm thương mại (TTTM), đa số các cơ sở này đều được xây dựng và đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực nên cơ sở vật chất xuống cấp, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ...

 

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra cháy, nổ tại các chợ, ngày 23/12/2019, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch số 327/KH-CAT-PC07 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC và xây dựng chợ, siêu thị, TTTM đạt chuẩn về PCCC năm 2020.

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ tập trung rà soát và tăng cường công tác quản lý về PCCC tại các chợ, siêu thị, TTTM. Trong đó chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện công tác PCCC tại các chợ, siêu thị, TTTM; tổ chức hướng dẫn và tham mưu cho Ban quản lý các chợ, siêu thị, TTTM tiến hành các bước, quy trình xây dựng chợ, siêu thị, TTTM đạt các tiêu chí chuẩn về PCCC; thường xuyên kiểm tra, cảnh báo nguy cơ cháy nổ và những tồn tại về PCCC tại các chợ, siêu thị, TTTM để kịp thời khắc phục, không để xảy ra cháy nổ.

 

Tuyên truyền PCCC cho cán bộ, nhân viên và tiểu thương chợ Vườn Hoa, TP Thanh Hóa

 

Cùng với đó, các lực lượng công an tỉnh sẽ tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các chợ, siêu thị, TTTM; xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội nghị triển khai sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện xây dựng mô hình chợ, siêu thị, TTTM đạt chuẩn về PCCC. Làm  tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, chủ động nắm chắc tình hình, lập danh sách, phân loại tất cả các chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật  PCCC. 

Tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá thực trạng công tác bảo đảm an toàn PCCC; hướng dẫn ban quản lý chợ, chủ đầu tư kinh doanh, khai thác chợ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC đối với các chợ trong phạm vi quản lý. Kiến nghị kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nguồn nước, trang bị phương tiện phục vụ chữa cháy chợ và khu vực xung quanh; xây dựng lực lượng PCCC cơ sở tại các chợ, siêu thị, TTTM đáp ứng yêu cầu PCCC và CNCH. 

Trường hợp chợ có nguy cơ cao phát sinh cháy, nổ hoặc vi phạm quy định an toàn PCCC nhiều lần cần thiết phải đề xuất UBND cùng cấp tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ hoạt động để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả xảy ra. Lồng ghép nội dung toàn dân PCCC với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình chợ, siêu thị, TTTM đạt chuẩn về PCCC và các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ban quản lý, chủ đầu tư kinh doanh, khai thác chợ trong việc tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí chợ đạt chuẩn về PCCC và CNCH tại các chợ, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục.

Thông qua việc thực hiện kế hoạch nhằm rà soát, đánh giá tình hình, thực trạng và tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh góp phần phòng ngừa, hạn chế đến thức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, bảo đảm ANTT, an toàn PCCC, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tác giả: Cao Hường
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu