Chiến công vẻ vang của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong kháng chiến chống Mỹ

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chính thức được thành lập ngày 04.10.1961, khi công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đang trên đà phát triển, gánh vác vai trò hậu phương lớn, chi viện cho chiến trường lớn miền Nam đánh Mỹ. Cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, lực lượng Cảnh sát PCCC dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Công an (tiền thân là Bộ Nội vụ) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu, lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thất bại tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Nắm được âm mưu của địch, để chuẩn bị cho nhân dân miền Bắc kịp thời chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, ngày 28/7/1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/CP về việc tổ chức công tác phòng không nhân dân. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành mệnh lệnh phòng không sơ tán, tổ chức bảo vệ an ninh trật tự khi có địch đánh phá và điều lệnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC.

 Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Đức Giang (Hà Nội)

Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 17, năm 1963 đã nêu rõ: Nhiệm vụ của lực lượng PCCC là đảm bảo an toàn PCCC các cơ sở kinh tế quan trọng, các mặt hàng thiết yếu, các khu vực đông dân cư; chuẩn bị tốt kế hoạch phòng không nhân dân, chữa cháy kịp thời các điểm cháy do địch gây ra. Với chức năng quản lý nhà nước về PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham mưu, đề xuất và chỉ đạo phương án hướng dẫn sơ tán, phân tán tài sản, vật tư chiến lược, vũ khí, đạn dược, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là phân tán các bể, xitec xăng dầu thành những điểm nhỏ, vừa thuận tiện phục vụ chiến đấu, vừa hạn chế thiệt hại trong trường hợp bị máy bay địch đánh phá. Năm 1965, khi miền Bắc chuyển từ thời bình sang thời chiến, lực lượng Cảnh sát PCCC đã vững vàng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân miền Bắc bước vào cuộc thử lửa ác liệt chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tuy còn rất non trẻ, phương tiện chữa cháy thiếu thốn nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC đã nỗ lực phấn đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, kiên cường chiến đấu và chiến thắng giặc lửa, lập lên những chiến công hào hùng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Trong mưa bom, bão đạn, lực lượng Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn Nhân dân ngụy trang, sơ tán tài sản, chiến đấu dập tắt hàng ngàn đám cháy lớn nhỏ, bảo vệ hàng ngàn nóc nhà, hàng vạn tấn lương thực, vũ khí đạn dược, xăng dầu… Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, có người khi ngã xuống, tay vẫn nắm chặt lăng vòi, bên những thùng hàng được bảo vệ để gửi ra tiền tuyến. Những liệt sĩ Cảnh sát PCCC Bùi Hữu Lượng, Đỗ Đình Thành, Đỗ Hải Quang, Lê Văn Hanh, Nguyễn Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Kiểm, Hoàng Ngọc Thịnh, Trần Ẩn, Trần Văn Hiển, Trần Kim Tiến, Trần Văn Tiến… đã cùng những người đồng chí của mình góp phần tô thắm trang sử vàng vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng và lực lượng Công an Nhân dân nói chung, làm nên những trận chữa cháy đi vào lịch sử như trận chữa cháy tại Kho dự trữ xăng dầu số 1 và các đám cháy tại cầu Bến Thủy (Tp Vinh, tỉnh Nghệ An), chữa cháy tại điểm lửa cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), chữa cháy trận địa tên lửa tại Đồng Giao (Ninh Bình), chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội), chữa cháy xà lan chở xăng dầu tại Hòn Gai (Quảng Ninh), chữa cháy Tổng kho xăng dầu và tàu chở hàng tại Ga Gôi, Ga Cầu Họ (Nam Định), chữa cháy kho lương thực ở Lệ Thủy, kho quân nhu Binh Trạm 26, đoàn 559, Bố Trạch (Quảng Bình) và rất nhiều chiến công khác nữa... Nhiều phương pháp chữa cháy khoa học, hiệu quả đã được đúc rút từ thực tế chiến đấu và áp dụng thành công trong thời kỳ này như chiến thuật chữa cháy trận địa tên lửa, chữa cháy kho xăng dầu…

 

 

Cảnh sát PCCC cùng nhân dân sơ tán xăng dầu 

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội được Mỹ coi là mục tiêu chiến lược quan trọng. Kế hoạch oanh tạc Hà Nội của Mỹ nhấn mạnh: “Ném bom các khu dự trữ xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng vận chuyển các đồ chi viện chiến tranh ở trong nước và các đường vào Nam Việt Nam hơn là bắn phá bất kỳ một hệ thống riêng biệt nào”. Ngày 29/6/1966, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá kho xăng Đức Giang. Nhiều bể chứa và đường ống dẫn xăng bị trúng bom, gây ra nhiều đám cháy lớn. 32 bể chứa cùng 18.577 tấn xăng dầu vừa nhập về hôm trước có nguy cơ bị nhấn chìm trong biển lửa. Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội được sự hỗ trợ của các đơn vị Cảnh sát PCCC Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng và Trường PCCC lập tức có mặt tổ chức cứu chữa. Đồng chí Trương Từ Thức, Đội trưởng Đội PCCC Sở Công an Hà Nội là người trực tiếp chỉ huy chữa cháy. Phương tiện thô sơ, hầu hết là dùng vòi nước áp lực cao để dập lửa, trong khi nguyên tắc chữa cháy xăng là phải dùng bọt. Nhưng lúc đó máy trộn bọt lại bị hỏng, phải dùng tay pha bọt để dập lửa. Vì chữa cháy bằng nước, nên không triệt để, chỉ cần ngừng phun nước, xăng dầu từ các ngóc ngách ở trong lớp đá chân bể xăng lại loang ra và tiếp tục cháy. Cứ chiến đấu như thế cho đến sáng hôm sau thì sức người đã thắng. Đám cháy kho xăng Đức Giang và kho hàng hóa được dập tắt. Sau 17 giờ đồng hồ gồng mình cứu chữa, đám cháy đã được dập tắt. Các lực lượng tham gia chữa cháy đã cứu được 23 triệu/25 triệu lít xăng dầu. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và có lẽ cũng hiếm xảy ra trên thế giới dùng nước, dùng sức người mà chữa cháy thành công các bể xăng dầu lớn. Sau chiến công này, ngày 03/8/1966, Đội PCCC, Công an Hà Nội nhận được thư của Bác khen ngợi cán bộ chiến sĩ đã dũng cảm, mưu trí làm tròn nhiệm vụ và Người dạy bốn điều sau:

1. Phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

2. Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào, để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân.

3. Phải không ngừng học tập, nghiên cứu phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong việc PCCC.

4. Phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.

Lời dạy của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC. Suốt 40 năm thi hành pháp lệnh PCCC, và 19 năm thi hành luật Phòng cháy và chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong năm 1967, máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá nhằm vào các khu vực quan trọng gây nhiều thương vong và cháy lớn, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn có mặt ở những điểm nóng chữa cháy thành công các vụ cháy ở kho cảng quân sự Đọ Xá, tỉnh Nam Hà, chữa cháy kho đạn pháo Quân khu 3 và trận địa pháo phòng không tỉnh Nam Định, chữa cháy trận địa tên lửa ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, chữa cháy kho cảng trung chuyển nằm dọc bờ sông Trà Lý, tỉnh Thái Bình... Ngày 1/1/1967, Đội Phòng cháy, chữa cháy Hoa Lư, Công an Ninh Bình và Đội phòng cháy, chữa cháy Hồng Gai, Công an Quảng Ninh là hai đơn vị đầu tiên của lực lượng Cảnh sát PCCC được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; nhiều đồng chí được tặng Huân chương chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Lực lượng Cảnh sát PCCC tìm kiếm, cứu người trong đống đổ nát.

Từ tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ tập trung lực lượng đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở vào. Hà Tĩnh, Quảng Bình là khu vực bị đánh phá ác liệt nhất. Để bảo vệ đầu mối huyết mạch giao thông, vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam thông suốt, Bộ Công an quyết định thành lập đơn vị PCCC Hà Tĩnh. Cục Phòng cháy và chữa cháy đã điều động 28 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị PCCC các tỉnh cùng 03 xe chữa cháy tăng cường cho Cảnh sát PCCC Quảng Bình.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt, máy bay địch tăng cường đánh phá gây ra nhiều đám cháy tại các khu vực trọng điểm, các kho hàng hóa, khu dân cư. Nhiều trận chữa cháy, do thời gian chữa cháy dài trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, thiếu thốn, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị ngất vì kiệt sức, đói lả, nhưng với tinh thần quyết chiến vì miền Nam thân yêu, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Quảng Bình vẫn kiên trì, bền gan, vững vàng trong lửa đạn, dập tắt hàng chục đám cháy lớn nhỏ. Từ thực tế chiến đấu, cán bộ chiến sĩ PCCC Công an Quảng Bình đã có sáng kiến phân tán những kho hàng lớn thành những cụm kho lẻ gửi trong Nhân dân nên đã hạn chế được thiệt hại. Được sự quan tâm kịp thời của Bộ Công an về lực lượng và phương tiện, lực lượng PCCC Hà Tĩnh và Quảng Bình đã lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ an toàn hàng vạn tấn lương thực, thuốc men, đạn dược chi viện cho cách mạng miền Nam, tham gia sơ cấp cứu tại chỗ, vận chuyển thương binh, liệt sĩ khắc phục hậu quả bom đạn, góp phần bảo vệ các đầu mối huyết mạch giao thông vận tải, đảm bảo cho hàng vạn chuyến xe vận chuyển người, hàng hóa, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 12/1971, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng cháy và chữa cháy. Hội nghị đánh giá cao lực lượng Cảnh sát PCCC đã dũng cảm, bám sát cơ sở, địa bàn dân cư; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các tổ chức làm tốt công tác phòng cháy, phòng không, kịp thời cứu chữa có hiệu quả các vụ cháy trong thời kỳ đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản của Nhân dân, bảo vệ thành quả miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Đầu năm 1972, lực lượng PCCC các tỉnh miền Bắc, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc và Thanh – Nghệ Tĩnh trở vào lại phải đối mặt với giặc lửa do địch gây ra. Trong thời gian này, lực lượng PCCC đã lập những chiến công xuất sắc: Chữa cháy Kho xăng Thượng Lý (Hải Phòng), lần thứ hai chữa cháy thành công tại Kho xăng Đức Giang và kho kim khí - hóa chất Đức Giang (Hà Nội), chữa cháy tại khu vực lắp ráp tên lửa Đồi Nhơm (Thanh Hóa)…

 

Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Thượng Lý (Hải Phòng)

Ngày 22/9/1972, kho thuốc trừ sâu xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bị trúng bom gây cháy lớn. Trong điều kiện phương tiện bảo hộ còn thiếu, cán bộ chiến sĩ đã dùng khăn tẩm nước, bịt kín miệng, thay nhau chiến đấu với giặc lửa, đồng thời sơ tán thuốc trừ sâu và tổ chức cấp cứu nhân dân bị ngộ độc. 5 giờ sau đám cháy đã được tập tắt. Sau vụ chữa cháy, đơn vị đã được Bộ Nội vụ chọn làm điển hình về kinh nghiệm chữa cháy chất độc hóa học…

 Trong 12 ngày đêm chiến đấu dưới bom đạn tàn bạo của đế quốc Mỹ, 100% cán bộ, chiến sĩ PCCC, Công an Hà Nội đã xung kích, dũng cảm, không quản ngại hy sinh gian khổ, lao vào nơi lửa đạn để cứu tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước. Lực lượng PCCC, Công an Hà Nội đã tham gia cứu chữa 33 trong 38 điểm cháy, cứu được 700 tấn đạn pháo, hơn 1.000 tấn hàng hóa, 10 tấn thuốc hóa học của quân đội, hàng trăm tấn sợi, vải… Những đơn vị có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến 12 ngày đêm ở Hà Nội là Đội PCCC Lộc Hà chữa cháy các kho tàng ở khu vực Đông Anh, Yên Viên; Đội PCCC Trung tâm Phan Chu Trinh chữa cháy 3 ngày đêm liên tục ở nhà máy dệt 8/3, chữa cháy tên lửa ở Chèm; Trường PCCC ở Nhân Chính đã chữa cháy cho các cơ quan lân cận và đơn vị thông tin của quân đội ở Cống Mọc…

Tinh thần chiến đấu quên mình của lực lượng Cảnh sát PCCC đã được Nhân dân ghi nhận, tin yêu và hết lòng giúp đỡ. Trong bom đạn gầm rú, ác liệt, lực lượng PCCC tại chỗ vẫn luôn sát cánh cùng Cảnh sát PCCC, giúp Cảnh sát PCCC sơ tán tài sản, tổ chức cứu nạn và tham gia hỗ trợ Cảnh sát PCCC chữa cháy. Nhiều chiến sĩ dân phòng đã anh dũng hi sinh, nhiều người bị thương, xuất hiện những tấm gương xả thân chữa cháy như dân phòng Nguyễn Thị Đông ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong khoảng thời gian bình yên giữa những đợt tấn công liên tục của đế quốc Mỹ, Cảnh sát PCCC vẫn xuống tận ngõ xóm, phố phường để vận động người dân tham gia công tác PCCC, khẩn trương khắc phục hậu quả bom đạn, duy trì sản xuất và cuộc sống nên các phong trào quần chúng trong thời gian này đã bám sát những nhiệm vụ trọng yếu của ngành Công an là đấu tranh phòng chống gián điệp, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngụy trang, sơ tán tài sản, chữa cháy xóa mục tiêu bắn phá của địch, bảo vệ thành quả sản xuất của miền Bắc XHCN và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.

Cũng trong thời gian này, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu, chế tạo thành công bom cháy, mìn hẹn giờ gửi an ninh miền Nam đánh Mỹ.

Tháng 7/1973, sau khi giải phóng Quảng Trị, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chi viện 33 cán bộ, chiến sĩ thành lập đơn vị PCCC Quảng Trị với nhiệm vụ bảo vệ các đoàn đại biểu, đoàn ngoại giao và các chuyến hàng vận chuyển vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Trong đại thắng mùa xuân năm 1975, theo quyết định điều động của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC với 182 cán bộ, chiến sĩ và 30 xe chữa cháy của Cục PCCC và 11 đơn vị các tỉnh phía Bắc đã theo sát quân giải phóng chi viện cho chiến trường B2 và tiếp quản, quản lý thành phố Sài Gòn và chi viện cho Ban an ninh nội chính miền Nam Việt Nam. Ngày 30/4/1975, đoàn cán bộ PCCC của Công an Hà Nội đã phối hợp với lực lượng PCCC chi viện cho chiến trường B2 tiếp quản Sở chữa lửa Sài Gòn – Chợ Lớn và Phòng Cảnh sát PCCC TP Sài Gòn chính thức được thành lập và nhân rộng ra khắp miền Nam.

Cùng đất nước đi qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt và đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Cảnh sát PCCC đã được tôi luyện, trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Ghi nhận những chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát PCCC trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 13 đơn vị Cảnh sát PCCC đã vinh dự được Đảng và Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công các Hạng, nhiều đồng chí được tặng Huy hiệu Bác Hồ, Bằng khen của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nối tiếp truyền thống hào hùng của cha anh, lực lượng Cảnh sát PCCC đã trở thành lực lượng chủ lực trong công tác PCCC và CNCH, vững vàng cùng đất nước trên con đường đổi mới, sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng giặc lửa, bảo vệ bình yên cuộc sống và phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục Trưởng Cục C07
Nguồn: Cục C07
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu