Đề cương chi tiết Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phần 1)

I. Về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phạm vi điều chỉnh của Luật.

          1. Câu hỏi 1: Sự cần thiết xây dựng Luật bảo đảm TTATGT đường bộ?

          Trả lời:

             - Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019, trong đó xác định: Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra một trong trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an  toàn giao thông phù hợp với tình hình mới.

          - Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 17/02/2020, Nghị quyết số 70/NQ/CP ngày 14/05/2020 và Nghị quyết 123/NQ-CP ngày 31/8/2020, trong đó Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

           - Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền sống, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người.

             - Khắc phục bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an  toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đầu tư, xây dựng, phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực. Đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn nhiều nội dung thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn.

           - Thực tiễn tình hình giao thông hiện nay có nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết: (1) tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, trong 10 năm chết hơn 100.000 người (đất nước hòa bình mà chết như chiến tranh); (2) kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; (3) tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông; (4) ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn; (5) tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

           - Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

             - Phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 và kinh nghiệm xây dựng pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.

             Do đó, việc xây dựng Luật là hết sức cần thiết, đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông lên một bước quan trọng, giải quyết tình hình thực tiễn đang đặt ra hiện nay.

              2. Câu hỏi 2: Lý giải về phạm vi điều chỉnh của Luật?

              Trả lời:

          Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Về cơ sở khoa học, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông  là việc thiết lập, duy trì, củng cố, thúc đẩy trạng thái tham gia giao thông có nề nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Bản chất của trật tự, an toàn giao thông là điều chỉnh các hoạt động giao thông “động” liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông.

          Trên cơ sở đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh về các chính sách: Quy tắc giao thông; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

          Các chính sách được điều chỉnh trong Luật hoàn toàn trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với mục tiêu ban hành luật, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ, với luật của nhiều quốc gia và đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương.

          Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã thảo luận rất kỹ về phạm vi điều chỉnh của Luật này và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bảo đảm tính khoa học, khách quan, thực tiễn và phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật hiện nay, trong đó một luật điều chỉnh về lĩnh vực trật tự, an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông, một luật điều chỉnh về lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ. Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với luật về an toàn giao thông của nhiều quốc gia có tính chất tương đồng về văn hóa với Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Campuchia…), Bộ Công an đã dịch và gửi Quốc hội tham khảo.

          3. Câu hỏi 3: Quan hệ giữa Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)?

          Trả lời:

          Cả hai dự án Luật này tuy là hai dự án Luật độc lập nhưng có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, là mối quan hệ giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật, có tính thống nhất và liên kết với nhau, trong đó một bên điều chỉnh những nội dung “động”, một bên điều chỉnh những nội dung “tĩnh”. Có những quy định của Luật này là cơ sở, là căn cứ để thực hiện ở Luật kia và ngược lại, ví dụ như việc thiết kế đường, tổ chức hạ tầng giao thông phải căn cứ vào quy tắc giao thông và khi hoàn thiện việc xây dựng đường xá, tổ chức giao thông, cắm biển báo, lắp đèn tín hiệu giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành theo hướng dẫn của hệ thống này. Mối quan hệ giữa hai Luật tương tự như mối quan hệ giữa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch…

          4. Câu hỏi 4: Tại sao không để ở một Luật mà lại phải tách ra thành hai Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

          Trả lời:

          Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế- kỹ thuật, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế,  quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dich vụ hỗ trợ vận tải. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại đang được điều chỉnh trong cùng một đạo Luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, không giải quyết được 02 vấn đề lớn là an toàn giao thông và phát triển hạ tầng, trong đó an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển hạ tầng là khâu đột phá mà Đảng ta đã xác định; không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về an toàn giao thông.

            Qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật giao thông đường bộ 2008 nhận thấy phải có đạo luật chuyên sâu, độc lập về lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ để giải quyết các vấn đề bất cập hiện tại và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi trong tình hình mới, trong đó bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, do ngành Công an chịu trách nhiệm chính, phát triển hạ tầng là khâu đột phá cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình giao thông trọng điểm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, do ngành Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính. Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện tại chưa giải quyết được các vấn đề này, còn thiếu nhiều các chính sách về quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, tổ chức an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm..., việc xây dựng hạ tầng phải phụ thuộc vào rất nhiều Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai... nếu chỉ dựa vào Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì không thực hiện được do thiếu các thể chế, chính sách cụ thể, phù hợp.

          Việc tách thành 02 đạo luật là phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật hiện nay (nhiều đạo luật cũ đã được tách riêng thành các đạo luật chuyên biệt như: Luật Đầu tư đã tách ra thành Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật Khiếu nại, Tố cáo tách ra thành Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại…)

          Việc tách ra thành 02 đạo Luật phù hợp với kinh nghiệm xây dựng pháp luật của nhiều nước trên thế giới, theo đó lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông được điều chỉnh trong đạo luật riêng, tách bạch với lĩnh vực hạ tầng và vận tải được điều chỉnh bằng các đạo luật riêng.

          5. Câu hỏi 5: Tại sao chỉ xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, còn các lĩnh vực đường thủy, hàng hải, đường sắt, hàng không thì như thế nào?

          Trả lời:

          Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cả 03 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong 03 lĩnh vực này Chính phủ nhận thấy lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có diễn biến phức tạp nhất và đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, bức xúc nhất: Tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương của các lĩnh vực giao thông, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ rất phổ biến, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số hành vi vi phạm của các lĩnh vực giao thông, với gần 60 triệu trường hợp bị phát hiện và xử lý bên cạnh đó, đường bộ là nơi diễn ra phức tạp nhất về các hoạt động tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan, tác động đến quyền con người, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Vì vậy, Chính phủ đã giao các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đánh giá để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đối với các lĩnh vực giao thông khác, căn cứ vào tổng kết đánh giá khoa học và yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi, bổ sung phù hợp.

.....

(còn nữa)

Tác giả: Thanh Quyết
Nguồn: Phòng Cảnh sát Giao thông
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu