Xác định 7 ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an LHQ

Việt Nam từng có nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách Ủy viên không thường trực của cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2008-2009. Khi đó, Việt Nam đã để lại những đóng góp, dấu ấn quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Lần này, với việc trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Theo thông báo của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces, Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với tỷ lệ ủng hộ là 192/193 phiếu. Với kết quả trên, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại Hội đồng Bảo an LHQ từ ngày 1-1-2020.

Bạn bè quốc tế chúc mừng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ sau khi Việt Nam trúng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). 

 

Ngay từ bây giờ, Việt Nam đã đưa ra 7 ưu tiên chính trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021 là: ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương; cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương; bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang; giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội; các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.

Là người trực tiếp tham gia và chứng kiến cả 2 thời điểm quan trọng củaViệt Nam khi trúng cử Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nói: “Điểm chung của hai lần chúng ta được bầu, lần đầu là năm 2007 để trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và lần này cho nhiệm kỳ 2020-2021, đó là chúng ta tham gia vào công việc của một cơ quan quan trọng và đặc biệt và cũng vì vậy cho nên công việc rất phức tạp.

Trong nhiệm kỳ 2008-2009, khi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 với nội dung đề cập nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột.

 

Nhưng điểm khác biệt và có lẽ thuận lợi hơn của lần này là chúng ta có kinh nghiệm, đây là lần thứ hai chúng ta tham gia. Một đặc điểm nữa là hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi mà cộng đồng quốc tế đánh giá là có nhiều rủi ro và thách thức đối với hòa bình, an ninh. Rủi ro đó có lẽ lớn hơn so với cách đây 10 năm khi chúng ta làm Ủy viên không thường trực lần đầu tiên. Nhưng thuận lợi lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn đang là xu thế. 

Chúng ta đã có kinh nghiệm hơn, lại kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Quan điểm của chúng ta trên các vấn đề lớn của cộng đồng quốc tế, nhất là các vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an cũng luôn được các nước ủng hộ”.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về sự đúng đắn của đường lối đối ngoại của Việt Namvà Việt Nam đã ở một vị thế khác, phản ánh trên số phiếu ủng hộ chúng ta lần này. Vì thế, khi đảm nhận vai trò Uỷ viên không thường trực, Việt Nam cần đưa ra những lập trường và quan điểm để, trên các vấn đề cụ thể của Hội đồng Bảo an, đánh giá trong bối cảnh chung, đánh giá lợi ích các nước liên quan… 

Còn nói như ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt và cần phải hành động nhiều hơn nữa vì năm 2020, Việt Nam cũng giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là vị thế đặc biệt “độc nhất vô nhị”, vì hiếm có khi một quốc gia vừa là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, vừa là Chủ tịch một tổ chức quốc tế khu vực như ASEAN.

Nguồn: Theo CAND
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu