Thi THPT quốc gia 2019: Lựa chọn nhân sự uy tín vào các khâu quan trọng

Trong các ngày từ 4 đến 6-6, các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã trực tiếp về các địa phương để thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi này.

 

Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các khâu, không được chủ quan nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra.

Lực lượng Công an sẽ tham gia vào các khâu quan trọng của kỳ thi

Thông tin với đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Đại tá Nguyễn Ngọc Bội, Trưởng phòng PA83, Công an tỉnh Điện Biên, thành viên Ban Chỉ đạo thi cho biết: Năm nay lực lượng Công an sẽ tham gia hầu hết các khâu của kỳ thi, vì vậy, việc lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn tham gia được tỉnh Điện Biên hết sức quan tâm. 

“So với năm ngoái, năm nay lực lượng Công an tham gia bảo vệ kỳ thi tăng hơn rất nhiều, dự kiến chúng tôi sẽ huy động khoảng 250 cán bộ, chiến sĩ tham gia từ khâu bảo quản đề thi, bài thi, an ninh, an toàn tại các khu vực thi cho tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống chảy nổ” - Đại tá Nguyễn Ngọc Bội thông tin. 

 

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên cũng cho biết: Công tác chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi đã được tỉnh Điện Biên thực hiện chu đáo, theo đúng quy định của Bộ và sát với tình hình thực tế địa phương. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện tốt, tâm thế thoải mái nhất cho học sinh, phụ huynh bước vào kỳ thi.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT thị sát công tác chuẩn bị thi
THPT quốc gia 2019 tại Điện Biên.

 

Đại tá Phạm Đình Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, thành viên Ban chỉ đạo thi cũng cho biết: Bên cạnh hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về hệ thống camera chung thì năm nay, Công an tỉnh cũng sẽ bố trí thêm một số camera giám sát ở ngoài hành lang khu vực lưu trữ bài thi, chấm thi. Qua đó có thể theo dõi các diễn biến, hạn chế tối đa nguy cơ nảy sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, trong quá trình tập huấn các vấn đề liên quan đến an ninh thi cử, Công an tỉnh cũng đã trao đổi kinh nghiệm với cán bộ Sở GD&ĐT về cách thức phát hiện các hệ thống gian lận thi cử bằng công nghệ cao như camera, ghi âm, ghi hình. 

Từ kinh nghiệm coi thi, chấm thi của trường đại học, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng việc tổ chức thi không mới nhưng vì thế dễ dẫn đến chủ quan, sai sót. Do đó, ở kỳ thi năm nay, theo ông Văn, cần có danh sách giao nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí từ bảo vệ đến giám thị để đảm bảo thực hiện đúng và đủ. 

Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh cũng nhìn nhận trong kỳ thi năm 2018, ở những tỉnh "có vấn đề" thì cơ chế giám sát là rất quan trọng. Từ bài học của các địa phương để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, tỉnh Điện Biên quyết tâm làm việc hết trách nhiệm và đúng quy chế để có thể tổ chức kỳ thi công bằng và an toàn nhất, đúng như kỳ vọng của người dân.

Đặt quyền lợi của thí sinh lên trên quyền lợi của cán bộ coi thi

Chia sẻ với các địa phương về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 đã đề nghị địa phương phân công trách nhiệm rõ ràng và phải nghiêm túc kiểm tra đánh giá trong và sau khi kỳ thi kết thúc. Để làm được điều đó, theo ông Trinh, địa phương có thể linh hoạt trong việc bố trí nhân sự, số lượng cán bộ an ninh tùy thuộc vào yêu cầu thực tế của từng điểm thi. 

“Dù có lắp mấy chục camera đi chăng nữa nhưng nếu những người tổ chức thi móc ngoặc với nhau thực hiện hành vi tiêu cực thì cũng khó để kỳ thi thành công”- ông Trinh lưu ý với mong muốn các địa phương lựa chọn những nhân sự uy tín, có trách nhiệm làm nhiệm vụ, nhất là ở những khâu quan trọng. Cũng theo ông Trinh, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải chọn được 34 trưởng điểm tinh thông, trách nhiệm, nói được làm được. Bởi đây là những cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo thi. 

“Sẽ có một nghìn lẻ một các sự việc bất thường diễn ra trong quá trình thi cử. Tuy nhiên, khi có sự việc xảy ra, cần xử lý theo 3 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất không giấu thông tin, cán bộ báo cáo lên trưởng điểm và các cấp cao hơn. Thứ hai là tôn trọng quy chế. Và thứ ba là phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên quyền lợi cán bộ coi thi" - ông Trinh lưu ý.

Trong buổi làm việc với các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019 cũng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thanh tra, trong đó vấn đề tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy chế, quy trình là rất quan trọng. Bởi nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, khác với năm ngoái, năm nay các thí sinh tự do dự thi môn thi đơn lẻ bài thi tổ hợp sẽ không được ra khỏi phòng thi ngay sau khi kết thúc môn thi mà phải chờ cho đến hết giờ thi của cả bài thi tổ hợp, chính vì vậy, việc bố trí phòng chờ tại các điểm thi cần được quan tâm. Phòng chờ của thí sinh phải được bố trí đầy đủ người quản lý để tránh gây ra xáo trộn trong khu vực thi. 

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương lưu tâm tới công tác in sao đề thi, bảo mật đề thi, bài thi.

Tác giả: Theo CAND
Nguồn: Công an nhân dân
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu