Thủ tướng: Dám nghĩ, dám làm để ‘về đích sớm’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2019 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD.

Ngày 30-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá về những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 và bàn việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2020.

Năm 2019: Tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những thành quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 đã chứng minh với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết cùng với quyết tâm lớn, “chúng ta đã đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng rất khó khăn”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2018 quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỉ USD, lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần năm 2015. Nếu tăng trưởng năm 2016 đạt 6,21% thì năm 2019 đạt tăng trưởng 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD.

“Tôi xin khẳng định điều này cho thấy quy mô kinh tế càng lớn thì đạt được thêm 1 điểm % tăng trưởng là rất khó khăn” - Thủ tướng nói và cho biết năm 2019 Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới, mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có một thực tế không vui là một quốc gia thịnh vượng không có nghĩa là mọi người, mọi địa phương, mọi vùng miền đều thịnh vượng. “Nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới sẽ thay đổi rất lớn, có nhiều địa phương tăng trưởng rất nhanh và trở nên giàu có, cũng có khả năng có địa phương tụt lại hoặc giậm chân tại chỗ” - Thủ tướng cảnh báo.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) tại lễ khởi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn,
dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam được tổ chức sáng 16-9
 

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào thảo luận chín nhóm vấn đề. Các bộ, ngành, địa phương đặt ra các mục tiêu cao, cùng thiết kế đưa kế hoạch, mục tiêu “về đích sớm”, đạt được nhiều thành tích ấn tượng, toàn diện trên mọi mặt trong năm 2020.

Người đứng dầu Chính phủ cũng lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành cần tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp như giải quyết phá sản, khởi nghiệp kinh doanh, nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư… và những chỉ tiêu tụt hạng trong năm 2018.

“Nếu vướng mắc pháp luật thì phải chỉ ra điều nào, khoản nào, không được nói chung và đề xuất sửa đổi” - người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

 

Cạnh đó các bộ, ngành phải làm sao để khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược cả về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, đồng thời kiểm soát, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt…

Ông cũng cho rằng cần có đột phá về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp được ban hành từ trung ương.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc của cán bộ, công chức các ngành, các cấp và địa phương, quyết liệt cải cách hành chính. Đồng thời cần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức trong năm 2020. Đặc biệt cần thực hiện tốt Chỉ thị 35 về chọn người có đức, có tài.

Thủ tướng dẫn lại lời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi. Dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa. Tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng thảo luận để trả lời câu hỏi để đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì?” - người đứng đầu Chính phủ nêu vấn đề trước khi kết thúc bài phát biểu khai mạc.

Năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp

Tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với sáu trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Trong đó đáng chú ý là Chính phủ sẽ ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ sẽ có kế hoạch nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc, công bố Sách trắng doanh nghiệp; khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn; phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có tính đột phá trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc hiện nay, đưa kinh tế - xã hội của đất nước hoàn thành các chỉ tiêu mà trung ương và Quốc hội giao trong năm 2020.

 

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-dam-nghi-dam-lam-de-ve-dich-som-880807.html
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu