THÔNG BÁO

Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, tình trạng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), pháo và đồ chơi nguy hiểm có chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp; nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; gây phức tạp ANTT, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.

Theo số liệu thống kê trong năm 2020, các lực lượng Công an trong tỉnh đã bắt 71 vụ, 99 đối tượng có hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT, tang vật thu giữ: trên 40 vũ khí các loại, gần 10.000 viên đạn, trên 300  kg vật liệu nổ/tiền chất thuốc nổ, trên 40.000 kíp nổ; bắt 66 vụ, 85 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo, thu giữ gần 200 kg pháo các loại.

Trước tình hình trên, ngày 27/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009).

- Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định quy định rõ: “Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa”.

Tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định quy định: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”; “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

- Tại Điều 5 Nghị định quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chiếm đoạt, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo, thuốc pháo trái phép; Cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi không được phép; Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm ANTT, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo; Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức…

- Tại Điều 17 Nghị định quy định sử dụng pháo hoa: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ, gây thiệt hại lớn đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 cũng quy định rõ các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm - Điều 190; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm - Điều 191; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự - Điều 304; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ - Điều 305; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ - Điều 306; Tội gây rối trật tự công cộng - Điều 318.

Để phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT, pháo và đồ chơi nguy hiểm; Công an Thanh Hóa kêu gọi các tổ chức và công dân trên địa bàn toàn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo, VK, VLN, CCHT. Vì bình yên cuộc sống, mọi người, mọi nhà hãy nói “Không” với sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT, pháo và đồ chơi nguy hiểm, góp phần bảo đảm ANTT và đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm./.

Tác giả: CÔNG AN TỈNH THANH HÓA
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu