Từ vụ AirVisual: Vu vạ cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội, bị xử lý thế nào?

Từ vụ AirVisual, nhiều chuyên gia nhận định, việc đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, thêu dệt lên mạng xã hội phải bị xử lý. Việc 'phát ngôn' trên mạng xã hội vừa thể hiện ứng xử văn hóa vừa không vi phạm pháp luật không phải ai cũng làm được.


Bị đánh giá 1*, ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí AirVisual trước đó tạm thời "biến mất" khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam

 

Cũng vì bị đánh giá là 1* nên AirVisual đột ngột biến mất khỏi kho ứng dụng App Store và Google Play tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đến ngày 8.10, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã xin lỗi AirVisual qua trang Facebook cá nhân vì vai trò của ông dẫn đến “những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam”. Tối 8.10, ứng dụng AirVisual, dùng để kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí đã xuất hiện trở lại.
Giải thích lý do đột ngột biến mất khỏi thị trường Việt Nam, phía AirVisual cho biết do có một lượng lớn người dùng đánh giá ứng dụng này chỉ còn 1*, nên đã gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Có thể bị xử lý hình sự tội “vu khống”, “làm nhục người khác”

Đây không phải là trường hợp đầu tiên việc một cá nhân đưa một số thông tin, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân hoặc tổ chức. Và đã rất nhiều vụ việc, cá nhân, tổ chức đăng thông tin không đúng sự thật đã bị xử phạt hành chính, hoặc bị khởi kiện ra tòa án buộc phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì người này có thể bị xử lý hình sự về tội “vu khống”...

LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) 

Luật sư (LS) Nguyễn Thị Thanh Nga (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá sử dụng Facebook là quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Việc đăng tải hay “phát ngôn” trên Facebook là quyền của mỗi cá nhân. “Nói theo pháp lý, thông tin trên mạng xã hội là “quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân”. Nhưng phát ngôn như thế nào vừa thể hiện ứng xử văn hóa vừa không vi phạm pháp luật là một câu chuyện khác và không phải ai cũng làm được”, LS Nga nhìn nhận và khẳng định: “Khi đưa những hình ảnh, thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hay thêu dệt thì phải bị xử lý. Ở mức độ nhẹ là câu chuyện xin lỗi, bồi thường; bị xử phạt hành chính. Mức độ nghiêm trọng, gây hậu quả có thể bị xử lý hình sự về tội “vu khống”, “làm nhục người khác”.
LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, luật An ninh mạng (có hiệu lực từ 1.1.2019) cũng đưa các hành vi bị nghiêm cấm như: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… Và luật An ninh mạng đã quy định người nào có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Trường hợp bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì người này có thể bị xử lý hình sự về tội “vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015”, LS Hoan nhấn mạnh.

Khởi kiện hoặc tố cáo

Tương tự, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho hay lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để đưa và cung cấp những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội.
Cũng theo LS Tuấn, tùy mức độ, hậu quả xảy ra, người đưa và cung cấp thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo Nghị định 174/2013 của Chính phủ hoặc trường hợp chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “vu khống” và các tổ chức, cá nhân liên quan bị “nói xấu” dẫn đến bị thiệt hại vật chất lẫn tinh thần thì có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật định.
Với trường hợp như của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, các chuyên gia cũng khẳng định, nếu cho rằng thông tin của thầy giáo này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của AirVisual, thì phía AirVisual có thể dùng phương án khởi kiện hoặc gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan chức năng để xem xét xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
AirVisual là ứng dụng thống kê chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (AQI). Ứng dụng này trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM do hiển thị kết quả đo chất lượng không khí tại đây. Bị cộng đồng ứng dụng bất ngờ chấm điểm 1*, AirVisual “biến mất” khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam rồi bất ngờ quay trở lại.

 

Nguồn: thanhnien.vn
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu