Khuyến cáo của Công an Thanh Hóa về việc người dân mua tích trữ xăng dầu

Hiện nay, do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ. Việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người tích trữ và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc tập trung đông người để mua xăng dầu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình mua bán, tích trữ xăng dầu, không để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Công an Thanh Hóa khuyến cáo đến người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp một số nội dung sau:

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC. Không lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để găm hàng, tích trữ, đầu cơ trục lợi đối với xăng dầu cũng như là các mặt hàng thiết yếu khác gây mất ANTT, an toàn PCCC.

2. Việc kinh doanh xăng dầu luôn phải đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp tích trữ xăng dầu nhưng lại vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ bị tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ; Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

3. Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

4. Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy nơi đun nấu, thờ cúng... Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng cần thiết và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy phải để cách xa nguồn sinh nhiệt.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

5. Một số biện pháp xử lý:

- Theo quy định tại Điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi găm xăng dầu sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, hành vi tích trữ số lượng xăng dầu lớn nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ.

- Theo quy định tại Điều 196, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đối với hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 1,5 – 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm nếu mua găm hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

- Theo quy định tại Nghị định 67/2017/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng đã có hiệu lực quy định về các hành vi kinh doanh xăng dầu vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được xây dựng đúng quy định hiện hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước xây dựng không đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.

- Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt trong an toàn phòng cháy chữa cháy còn quy định hạt tiền từ 8 -15 triệu đồng đối với trường hợp không lắp đặt các thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh; Không có phương án hoặc thiết bị xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác.

Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với một trong những hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép; San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

 

Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu